Wednesday, May 12, 2010

Anh Hùng Tử - Khí Hùng Bất Tử...

"Tiểu Nhân Sinh - Nhân Cách Bất Hữu !" (CBT)
 

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu

Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi tên ai gửi theo cơn gió bay
Tình yêu ơi còn đâu những ngất say
Người yêu ơi giờ thương nhớ dâng đầy
Này em có bao giờ em biết rằng
Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau
Thời gian không còn những phút nhiệm mầu

Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu
Cho tôi yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau
Cho tôi xin lại cuộc tình, từ lâu tôi hằng mơ ước
Xin cho tôi gửi lòng này, đến người yếu dấu ngày xưa

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em, còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vẳng tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn

Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi .

&
 
Chuyện di tản 1975
Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết !
Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…
 
Chuyện 1
 
Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !
 
Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp. 
Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con  cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của bà  trong chuỗi  ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử  chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu ?... Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…
 
Chuyện 2
 
Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !
 
Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…
Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…
 
Chuyện 3
 
Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ m
t sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ - chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới  bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy - người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.  
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…
 
Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội. Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió ! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….
Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm !
 
Chuyện 4
 
Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !
Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi -- ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
Tiểu Tử

Monday, May 10, 2010

Chuyến di tản của Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502_Phan lạc Tiếp



 Chuyến di tản của Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, một con tàu hỏng máy, đang trong thời kỳ sửa chữa, chở theo trên 5000 người, rời cầu tàu trong Hải Quân Công Xưởng đêm hôm 29 tháng 4 năm 1975 với bao nhiêu là khó khăn, hãi hùng, nguy hiểm. Hầu như trên mười năm sau đó, đã định cư ở Mỹ an toàn, nhiều đêm ngủ, thần trí tôi vẫn bị trôi theo cơn hốt hoảng kinh hoàng bởi chuyến đi này. Trong những giấc mơ kinh dị đó, tôi vẫn thấy rất rõ rừng người đặc nghịt ở trên sàn tàu. Bầu trời thì đen thẫm, những ánh đèn xanh đỏ của những chiếc trực thăng vần vũ, nặng nề bay qua bay lại. Những đám cháy sáng rực bùng lên ở mấy góc trời. Kho xăng Nhà Bè trắng xoá, lấp loáng dưới ánh lửa đang cuồn cuộn bốc cao từ Căn Cứ Hải Quân .Những tiếng nổ oà vỡ bên tai, kéo theo những tiếng rít của những trái đạn rời nòng từ hai khẩu đại bác của Đặc Khu Rừng Sát. Con tàu ôm sát bờ lửa đạn ấy để vào nhánh sông Soi Rạp, bò ra cửa biển.
Sáng ngày 30 tháng tư, con tàu liệt máy, buông trôi ở cửa sông. Biển ở trước mặt, sóng trắng lô xô từng đợt. Lại những đợt máy bay từ phía Sài Gòn túa ra. Nhũng chiếc trực thăng bay thấp, dọc theo hông tàu, thấp hơn chiều cao của đài chỉ huy chiến hạm. Cửa máy bay mở rộng. Chúng tôi thấy trong lòng máy bay chật ứ những đàn bà, trẻ con. Mấy bà già hướng về chiến hạm, quỳ, cúi gập người, chấp hai tay mà lễ. Trong khi đó viên phi công rà được tần số của chiến hạm. Bằng một giọng nói đầy khấp thiết :
"Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. Nhưng tới điểm hẹn chỉ thấy biển mông mênh, tàu Mỹ đâu không thấy, nên phải quay về. Tàu tôi chỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi..." Không cầm lòng được, Hạm Trướng Nguyễn văn Tánh và "Ban Tham Mưu" chấp nhận những khó khăn, bất trắc, đồng ý là cho trực thăng đáp xuống sân chiến hạm. Sân chiến hạm đông đặc những người, lùng nhùng những chiếc mền đủ màu căng ra che sương gió qua đêm. Nắng bắt đầu oi ả. Tất cả phải giải toả cấp kỳ. Mọi người phải xuống hết sân chiến xa. Sân tàu trống vắng. Chiếc trực thăng từ từ đáp xuống. Một chiếc. Lại một chiếc nữa...

Tới gần trưa ngày 30 tháng 4, ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả tàu mấy ngàn người xốn xang, cuống quýt. Có những tiếng khóc vỡ oà đâu đó. Một buổi họp khẩn cấp để đi đến quyết định : Bằng mọi giá phải thoát ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Phải ra đi cho bằng được. Toán thợ máy kết hợp lạ lùng cố sửa chữa. Máy tàu nổ, một máy. Tàu ra được ngoài khơi, lết đến gần Côn Sơn, gặp được hạm đội mình ở đó. Lệnh từ Soái Hạm HQ 3 chỉ thị cho HQ16 tới kéo HQ502 đi. Những đêm lừ đừ ở ngoài khơi, đoàn tàu vừa đi vừa đợi nhau. Những chiếc ghe đầy ứ người sáp vào chiến hạm. Không thể làm ngơ, tàu thả thang dây, lại vớt thêm người. Đêm xuống, hải đăng Vũng Tàu loé lên từng đợt như thách thức, như mời gọi, như những vẫy tay giã từ. Bờ biển quê hương đấy mà giờ đã trở nên kinh khiếp, chia lìa, đớn đau. Ngày đêm, qua làn sóng điện của đài Sài Gòn, không còn là những giọng nói thân quen, mà là những lời kêu gọi chát chúa, đe doạ của kẻ thù :

"...quân, cán chính của ngụy quân Sài Gòn mau mau ra trình diện... " Những ngày thiếu thốn, chật chội, chia nhau từng ngụm nước, từng nắm cơm chỗ sống, chỗ khê, chỗ thì thiu chua.




Mấy ngày sau, bờ biển Phi Luật Tân hiện ra, núi non chập chùng đen thẫm. Lễ chào và hạ Quốc Kỳ VNCH lần cuối được diễn ra, đơn giản nhưng vô cùng nghiêm trang mà rất đớn đau. Lá Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ bacï màu từ từ được kéo xuống, cùng với hàng ngàn giọng hát, gìa, trẻ, nam, nữ cất lên, vừa hùng tráng, vừa chất chứa những nghẹn ngào. Những lời hát như trùm kín cả vùng trời biển nước mênh mông. Lời ca dứt. Những tiếng kêu khóc bỗng bùng vỡ. Nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy những cặp mắt đầm đầm nước mắt. Trong những tiếng kêu khóc thảng thốt ấy, tôi thấy có tiếng kêu của một người đàn bà :
"Ối, con ơi, con ơi..." Trong tập bút ký viết về cuộc di tản này, tôi đã không quên ghi lại tiếng kêu thảng thốt, lạ lùng này. Tại sao tôi lại không ghi những tiếng kêu khóc khác tràn ứ quanh tôi trên con tàu Thị Nại HQ 502 lúc đó. Tôi không trả lời đươc. Vì khi viết lại giây phút xúc động lịch sử này, tay tôi như chỉ tuân theo những gì mà thần trí tôi đã ghi dấu mà tự động viết ra. Viết ra như vẽ lại rất tự nhiên, không có một sự lựa chọn nào. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Tình cờ tôi đã hiểu . Có những hình ảnh tuy mờ
nhoà, khi ẩn khi hiện, nhưng không bao giờ biến mất trong trí nhớ của tôi.

Tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ lại rồi. Tôi nhớ thật rõ. Tôi hiểu tại sao tôi lại ghi lại tiếng kêu này. Xin hãy cho tôi từ từ nhớ lại.

Tôi bỏ chiếc xe hơi nhỏ ở ngoài cửa Hải Quân Công Xưởng, sát bên Bệnh Xá Bạch Đằng. Tôi đi đầu, hướng dẫn cả gia đình trên mười người, theo đoàn người lũ lượt chạy bộ dọc theo chiều dài của Hải Quân Công Xưởng. Vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn trở lại để kiểm soát đoàn "rồng rắn" của gia đình. Chỉ sợ có người bị lạc. Lạc là vô cùng khốn khổ, khó khăn. Tìm đến cầu tàu trước Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Con tàu Thị Nại, HQ 502 nằm đó, vị trí một. Bên ngoài con tàu này còn ba con tàu khác cặp song song. Tất cả bốn con tàu xám ngắt, hướng mũi phía hạ giòng. Người từ phía sau tràn tới. Như đã hẹn, tôi sẽ phải lên cho được con tàu này. Con tàu do bạn thân cùng khoá với tôi làm Hạm Trưởng, Hải Quân Trung Tá Nguyễn văn Tánh. Chúng tôi cũng đã hùn tiền mua thêm nhiều gạo, mì và những thức ăn khô chất sẵn ở tàu này. Nước lấy tối đa. Lúc này nước thuỷ triều dâng cao, bắt đầu xuống. Người ken sát nhau như gạch trên cầu tàu, nhích tới, nhích tới. Cái thang dài độc nhất dựng dốc ngược bên hông tàu. Tôi biết rằng khi khẩn cấp, chỉ cần thả hai mối dây là cái thang tự động tuồi xuống cầu tàu, lăn theo hai bánh xe ghì trên mặt đất, không một chút khó khăn. Tàu sẽ tách bến dễ dàng. Nhưng bây giờ rừng người đang ùn ùn tiến tới. Những quân nhân, trai tráng thì tìm mọi cách bám vào thành tàu mà lên. Gia đình tôi tất cả mười ba người, con số tình cờ không vui, trong đó có hai ông bà nhạc tôi ốm yếu, bốn đứa con nhỏ dưới mười tuổi.
Chúng tôi không có cách nào khác là phải leo ngược cầu thang nhỏ, dốc ngược này để lên tàu mà thôi. Tôi lên đầu tiên, bế trên tay thằng con út hai tuổi bụ sữa, nặng chĩu. Trên lưng đeo một ba-lô quần áo và các thứ cần dùng. Một tay sách cái va-ly nhỏ đựng đầy giấy tờ, bản thảo và hình ảnh. Rất nhiều hình ảnh. Cầu thang dốc và trơn, khiến tôi trượt chân. Cái va-ly trở nên nặng quá bung ra phía ngoài. Tôi buông tay, nắm vội vào sợi giây cable, cái va-ly rơi tòm xuống nước, mất tăm. Hai tay ôm chặt thằng nhỏ trong lòng. Tôi cúi người xuống để ghì lấy mặt thang. Trong phút chông chênh đó có bàn tay ai rất mạnh giữ chặt lấy cánh tay tôi. Chỉ trong một sát na kinh khiếp đó, tôi gượng lại được và bò lên sàn tàu. Không biết cánh tay ấy của ai. Ai đã cứu bố con tôi. Đặt con xuống sàn tàu tim tôi còn đập bập bùng hồi hộp. Tôi quay lại cùng các em tôi kéo vợ tôi, hai ông bà nhạc lên tàu. Kiểm điểm lai "quân số" gia đình. Đủ cả. Tôi quay lại cầu thang, đứng chân trước chân sau thật vững trên sàn tàu. Một tay vịn vào hàng rào chắn, một tay chìa ra kéo những người đang trèo ngược thang lên.

Bao nhiêu bàn tay tôi đã nắm. Có bao nhiêu bàn tay bè bạn thân quen, nắm chặt tay nhau kéo lên, buông ra với những nụ cười. Anh Trần văn Tâm, (nhà văn Trần quán Niệm), anh Nguyễn hưng Quảng, anh Nguyễn đa Phúc và bao nhiêu người nữa. Chúng tôi xúm nhau ở đó để tiếp tay, đỡ đần những người yếu đuối. Có bao nhiêu là những bàn tay già nua, hay non dại của những ai tôi chưa bao giờ gặp gỡ. Tất nhiên chúng tôi cũng đã chuyền, bế bao nhiêu là con trẻ ở tuổi các con tôi. Lúc kéo người lên như thế, cũng là lúc tôi nhìn xuống khoảng trống giữa thành tàu và cầu tàu, tôi không còn thấy cái va-ly của tôi đâu cả. Nước đã cuốn nó đi trôi nổi ở góc kẹt nào. Khoảng trống dọc theo thân tàu chỉ độ bốn mươi phân thôi, là bề dày của trái độn cao-su. Cái khe này hun hút đen thẳm dọc theo thân tàu dài hàng trăm thước. Dưới sâu là mặt nước, những làn sóng nhỏ, lấp lánh ánh đèn trôi đi, trôi đi. Tôi biết sức nước trông thế nhưng thật là mạnh mẽ.

Chân cầu tàu lù xù những vết xò hến, tác rưởi bám đầy. Nếu ban nãy tôi không có cánh tay nào bám lấy, ngã xuống đây...Mới thoáng nghỉ thế, toàn thân tôi như lạnh buốt. Tôi nghĩ đến con tôi. Đứa con út của tôi.

Rời cầu thang quay gót trở lại với gia đình, tôi vừa quay gót, có tiếng người đàn bà thảng thốt kêu lên : " Con tôi, con tôi rơi...rồi. Oái con ơi là con ơi..." Tôi quay phắt lại, người ta đen đặc, đang kéo người đàn
bà vào sàn tàu. Ở phía cầu thang người vẫn cứ ùn tấn lên không dứt. Người đàn bà khốn khổ, mất con như mê đi, đang được người ta xúm lại chữa chạy, giựt tóc, bôi dầu. Hình như không ai quan tâm gì đến số phận của đứa nhỏ vừa rời tay mẹ rơi xuống cầu tàu, mất tăm. Vô phương cứu tìm. Mà ai còn có thì
giờ đâu để ngó xuống cái khe đen thẳm đó. Người càng lúc càng lên thêm, đứng đen đặc cả sàn tàu. Không ai biết, chẳng ai quan tâm đến cảnh huống bi thảm vừa mới xẩy ra. Đêm mỗi lúc mỗi sâu. Nỗi khốn khổ của người mẹ mất con như bay theo, mất hút giữa đêm đen mỗi lúc mỗi thêm kinh sợ.

Lên được trên tầu, tìm gặp bạn tôi, HQ Trung Tá Nguyễn văn Tánh, Hạm Trưởng, anh nhường phòng của anh cho gia đình tôi. Tôi ngần ngại, nhưng anh bảo : "Tôi còn cái phòng nhỏ trên Trung Tâm Hành Quân. Tạm yên tâm, tôi sát cánh cùng anh, tập họp tất cả những quân nhân có mặt, tìm mọi cách để đem tàu ra khơi. Người thì chật cứng ở sân boong chính, ở hầm chiến xa, và la liệt cả hành lang, mọi chỗ. Nhưng như anh Tánh sau này cho biết thì "nhân viên cơ hữu trên 100 nay chỉ còn có 9 người..." Tình trạng chiến hạm thì còn đang sửa chữa : "Hai máy chánh ráp xong, nhưng chưa thử tại chỗ. Hai máy điện chưa được ráp song song. Bơm nước ngọt và bơm cứu hoả chưa ráp. Bình cứu hoả CO2 còn nằm trên Hải Quân Công Xương. Hai máy neo trước và sau bất khiển dụng. Sàn tàu cắt mở lối đem máy chánh lên chưa hàn lại". Biết bao nhiêu là trở ngại, khó khăn, nguy hiểm. Khi khởi động được máy thì tay lái bất khiển dụng. Giây cable lái bị cắt đứt. Nói ra không hết những nguy hiểm của chuyến đi này. Bao nhiêu điều, bao nhiêu hình ảnh vẫn đầy ắp trong trí nhớ của tôi. Nhưng hình như tiếng kêu vô vọng, thảng thốt của người đàn bà khốn khổ đó đã thấm nhập sâu đậm vào trí não tôi. Lúc mờ lúc tỏ, nhưng tiếng kêu đó không bao giờ mất được trong tiềm thức của tôi. Khi có những sự tương quan, hình ảnh ấy sẽ tự động hiện ra mà lý trí tôi hình như không thể can dự vào. Và sự việc đã được xẩy ra rất tình cờ mới đây, gần 30 năm xa cách.




Trong một buổi gặp gỡ thu hẹp của mấy bà bạn cựu nữ sinh Trưng Vương của bà xã tôi tại San Jose, chuyện trò đang nổ như cái chợ, bỗng khựng lại, khi tình cờ chị D. N. nói :
"Thế ra gia đình tao cùng di tản trên con tàu Thị Nại HQ 502 với tụi mày à. A, sao cả tuần lễ trên tàu mà mình không gặp được nhau. Ừ, người đông như kiến. Trên 5000 người. Khiếp thật !" Anh Ng., chồng chị N. nói:" Khi ở trên tàu tôi xung phong trong toán nhà bếp, nóng như cái hầm. Lúc có điện lúc không. Cơm nấu suốt ngày mà không đủ. Lúc sống, lúc khê. Khi ra đi đại gia đình chúng tôi có 20 người. Nếu kể cả thằng cháu P. bị rơi ở cầu tàu là 21. Bây giờ tổng số đã là 40..." Lòng tôi như có điện
giựt. Cả một khung trời kinh khiếp đêm 29 rạng 30 tháng 4 năm cũ lại hiện ra rõ ràng. Cái khe sâu dài dọc theo cầu tàu đen thẫm, lấp lánh những lượn sóng trôi đi, trôi đi. Tiếng kêu thảng thốt của người đàn bà : "con tôi, con tôi rơi rồi. Oái con ơi là con ơi." Lạ nhỉ. Quả đất tròn thật. Tôi phải tìm gặp cho đươc người đàn bà ấy.

Bà D. t. L, qua điện thoại kể lể : "...một tay tôi cầm cái túi. Một tay tôi dắt thằng cháu P. bước lên cầu thang dốc ngược của con tàu. Người từ phía dưới cứ nống lên. Mà là người nhà mình cả chứ đâu. Gót giày tôi như kẹt vào khe cầu thang, chân tôi bỗng nghiêng đi, lao chao muốn ngã. Thế là tôi buông tay thằng nhỏ ra. Nó rơi ngay xuống khe tàu, mất tiêu. Tai tôi như chỉ còn thấy tiếng cháu kêu : mẹ L...Tôi kêu lên, nhưng có ai giúp được gì đâu.
Mà có ai thấy gì đâu mà giúp. Tay tôi bỗng trống không. Tôi được người ta kéo lên sàn tàu. Tôi mê đi chẳng còn biết gì nữa sất. Bên tai tôi cứ như loáng thoáng tiếng kêu của nó. Từ đó, nói ông bỏ quá đi cho, tôi cứ ngơ ngẩn, chả còn thiết gì nữa cả. Tôi nằm như chết ở sàn tàu, chả thiết ăn uống gì . Khi đoàn tàu sửa soạn vào cảng ở Phi Luật Tân, mọi người lên sân chính để chào quốc kỳ lần cuối, trong tai tôi vẫn vang vang lời kêu của cháu : Mẹ
L. ơi ... Vì thế, trong giờ phút ấy tôi bỗng oà khóc và kêu lên..." Vẫn lời kể của bà L. : "Lúc ấy cháu T t. P. được 6 tuổi rưỡi. Cháu nhờ trời cũng chịu ăn, chịu chơi nên cũng có da có thịt, chắc nịch. Mỗi khi cháu trái nắng, trở trời cháu cứ hay kêu : Mẹ L. ơi cứu P. Tôi không quên được tiếng kêu ấy của cháu, ông à. Tiếng kêu ấy cứ vang vang ở trong đầu tôi, hình như không lúc nào dứt. Lúc thức, lúc ngủ, lúc tụng kinh, không lúc nào tôi không nghe thấy tiếng kêu ấy của con tôi, nên tôi nghĩ rằng con tôi còn sống. Vì thế suốt mấy chục năm, ngày nào tôi cũng thắp hương cầu Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn phù hộ độ trì cho cháu. Sau này chúng tôi trở lại đạo, tôi hàng ngày lại cầu xin Đức Mẹ Maria che chở cho cháu. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào đấng thiêng liêng và tôi vẫn tin rằng cháu còn sống ông à."

Vẫn lời kể của bà L. : "Rồi cách đây ít năm, người Việt Nam từ hải ngoại về nước mỗi lúc mỗi đông. Tôi cũng về thăm lại làng xóm, thăm thân nhân. Trong câu chuyện qua lại giữa bà con, có người nhắc rằng : nếu chị tin là cháu còn sống, thì phải có người vớt được cháu. Chị thử đăng báo tìm xem thế nào. Không thiếu những trường hợp thất lạc con cái, rồi người ta cũng tìm lại được đấy. Thế là tôi nhờ đăng tin tìm cháu ở báo Tuổi Trẻ, thì có 6 người cùng tuổi với cháu liên lạc với tôi. Người thì ở ngay trong thành phố Sài Gòn, người thì ở dưới quê. Cũng là người tử tế cả. Có anh nói : thôi con không qua Mỹ đâu. Đã có vợ con và sống ở đây quen rồi, mẹ có thương con thì cho con ít cây (vàng), con mua mấy mẫu ruộng. Thì nghe thế biết thế, tôi cũng chưa có gì đích xác để quyết định cả. Trong 6 người nhận là con tôi, có một anh cao, giống thằng con tôi hiện ở Mỹ. Anh này hiện học nghề Đông Y, chưa vợ con gì cả. Với tôi anh ấy đối sử lịch sự, bình thường,không vồn vã mà chẳng đề nghị xin sỏ gì. Vì theo bà mẹ nuôi của anh kể lại thì câu chuyện khá dài, nhiều uẩn khúc lắm".

Vẫn theo lời kể của bà L. : " Bà này giầu có lắm. Trước 75 bà là dược sĩ, có tiệm thuốc tây rất lớn. Bà đã có gần 10 người con do bà đẻ ra. Nhưng trong hoàn cảnh tang thương của thời loạn lạc, có mấy người không nuôi được con, đem cho bà, bà đều nhận hết. Bà săn sóc trên mười đứa con, con đẻ cũng như con nuôi, như nhau. Đứa nào học được bà cho đi học. Nhiều đứa thành tài là kỹ sư, bác sĩ. Có đứa lớn lên xin về nhà bố mẹ đẻ, bà cũng vui lòng, còn cấp vốn liếng cho để làm ăn. Có đứa làm ăn thất bại lại bò lên xin ở lại với bà, bà lại nhận nuôi nấng cả gia đình vợ con nó như xưa. Bây giờ trong thời đổi mới, bà đang kinh doanh về ngành du lịch. Bà mua cả một khu rừng xây khách sạn, đắp núi non, vườn cảnh. Trong đó có những nhánh sông, bà cho xây cây cầu qua lại thật là đẹp. Nói ra có lẽ khó ai tin được. Bà ấy nói với tôi rằng thằng Mỹ do một bà bán chè ở bến sông Sài Gòn cho bà ấy. Thằng nhỏ này trôi trên sông Sài Gòn, có một người lái đò vớt được, đưa lên bờ. Thằng bé bơ vơ, rét mướt khóc quá xá, nên cho đứng tạm cạnh bà bán xôi chè, đợi bố mẹ nó tìm đến. Nhưng chả thấy bố mẹ nó đâu, bà hàng xôi tìm đến bà dược sĩ bảo rằng : bà làm phước nuôi dùm thêm đứa nhỏ này. Hỏi bố mẹ con đâu, nó nói trong nước mắt : đi Mỹ rồi. Do đó bà dược sĩ mới đặt tên nó là Mỹ."

Vẫn lời của bà L. :"Cái anh tên Mỹ này lớn lên trong gia đình bà dược sĩ. Dù không ai nhắc nhở, nhưng anh ta vẫn tin rằng sẽ có lúc anh ta phải qua Mỹ đoàn tụ với cha mẹ ruột. Thời gian vùn vụt trôi, gần ba mươi năm cơ hội chưa đến. Trong khi chờ đợi, anh ta quyết không lập gia đình, sợ lôi thôi khi đi đoàn tụ. Và để có một nghề qua Mỹ không cần học lại, anh ta học nghề đông-y-sỹ. Bà dược sĩ nói với tôi rằng, tuy là con nuôi, nhưng tôi thương thằng Mỹ như con ruột. Nó muốn gì, tôi không tiếc. Đấy cái cửa hiệu đông y đấy, rất khang trang, đủ mọi thứ thuốc, từ sâm nhung hảo hạng, đến các thứ quế đắt tiền, thứ gì tôi cũng đặt mua đầy đủ. Nó vừa sửa soạn là thầy lang vừa làm người bào chế, rất mát tay tuy chưa ra trường nhưng cũng đông khách lắm. Sang Mỹ chưa chắc gì đã có một cơ sở vững vàng như thế. Nhưng nó biết, nó tin là nó không ở đây lâu đâu. Thế nào nó cũng qua Mỹ đoàn tụ với bố mẹ ruột của nó. Nó muốn thế, tôi cũng sẵn sàng giúp nó được toại ý khi cơ hội đến. Nếu nó thực sự là con bà, bà chứng minh được nó là con bà, tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách để nó về với bà."

Vẫn lời của bà L. :" Tôi trở lại Hoa Kỳ, tôi cứ nhớ cái thằng Mỹ này quá.Chắc chắn nó là con tôi. Nhưng bảo rằng chứng minh cụ thể thì tôi chưa có cách. Tôi có đem chuyện này hỏi ông bác sĩ gia đình. Ông bác sĩ nói rằng : Dễ lắm. Nếu nó là con bà, chỉ đem đi thử máu, thử DNA là ra ngay. Thì cái vụ thử nghiệm này thì chắc rồi. Nhưng tôi lại không muốn làm thế. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nhờ tôi thành tâm lễ bái, khẩn cầu, nên đấng thiêng liêng đã đưa đẩy cho tôi tìm thấy cháu. Bây giờ lại đem thử nghiệm thì có khác gì không tin vào đấng linh thiêng nữa, nên tôi không làm. Nghe thế, ông bác sĩ ngồi thừ ra hồi lâu rồi hỏi tôi. Nếu nó là con bà, thì nó không giống ông bà cái tai, cũng phải giống cái tóc chứ. Bà nhìn nó bà có thấy nó giống ai trong nhà không, chắc là phải giống ông nó nhà tôi. Khốn nỗi ông nhà tôi sang bên Mỹ được ít năm thì mất. Ông mất cũng là tại tôi một phần. Ông cứ cằn nhằn tôi bao nhiêu năm : sao đang nắm tay nó bà lại buông tay ra. Làm gì cũng phải có ý có tứ chứ. Nắm thật chặt tay thì nó đâu có rơi được. Đành rằng thế, nhưng nào tôi có muốn buông tay ra đâu. Trời xui đất khiến nó hoá như thế, chứ có người mẹ nào lại nỡ buông con ra cho nó rơi xuống sông hở ông. Thế là bao nhiêu năm đằng đẵng xót sa, rồi ông ấy mất. Lúc mất hình như ông ấy còn gọi trên nó trong phút lâm chung. Thế là bao nỗi cay đắng đổ cả trên đầu tôi. Thôi thì trăm sự tôi trông vào đấng linh thiêng, Đức Quan Thế Âm khi trước và bây giờ là Đức Mẹ Maria. Đêm nào tôi cũng thắp hương, cầu khẩn."

Vẫn lời bà L. :"Tôi thẫn thờ đau khổ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến nó. Còn thằng em nó hầu như tôi quên bẵng để mặc cho ông nhà tôi trông nom. Nhà tôi mất đi, trên bàn thờ bây giờ có hình ông ấy nhà tôi nữa. Hàng ngày khi đọc kinh, nhìn hình ông nhà tôi trên bàn thơ, tôi bảo : Ông có khôn thiêng thì ông mách bảo cho tôi tìm ra thằng P. Một hôm, em thằng P. đi đánh banh về, từ trong nhà tắm đi ra, nó ngồi trước mặt tôi, lấy khăn lông lau đôi bàn chân. Nó lau kỹ lắm, khiến tôi chú ý. Sao mà hai ngón chân cái của nó lại xoè ra như người Giao Chỉ ngày xưa. Tôi hỏi nó sao thế. Nó bảo thì ngón chân con nó thế. Đi giầy thì hai ngón chân cái ép lại. Để chân không, nó lại xoè ra. Tôi trở lại Việt Nam, trở lại nhà bà dược sĩ. Bà vẫn ân cần, niềm nở đón tôi, và vẫn một mực nói : tôi sẽ trả con cho bà, với điều kiện bà phải chứng minh được nó đích thực là con bà. Thì cũng là tình cờ thôi, hôm ấy thầy-lang-Mỹ lội xuống khúc sông trước nhà, bơi, tắm. Tắm xong, lúc ngồi ở nhà ngang anh ta ngồi lau chân, trời ơi, hai ngón chân cái của thằng Mỹ cũng xoè ra như thằng con tôi, em nó ở bên Mỹ. Không sai được nữa rồi. Tôi bỗng bật khóc và kêu lên P. ơi, con ơi. Thầy-lang-Mỹ trố mắt nhìn tôi. Bà dược sĩ cũng thảng thốt, đứng lên. Ba chúng tôi ôm choàng lấy nhau, nước mắt chan hoà. Thằng P. ôm tôi và nói : con là P. của mẹ đây, mẹ L. ơi. Bà dược sĩ thì bảo : " Sao trước đây bà không cho tôi biết tên nó trước đây là P.."

Vẫn lời bà L. :" Bà dược sĩ nói rằng : hàng ngày chúng tôi kêu nó là Mỹ.Nhưng những khi đau ốm, mê sảng, nó đều kêu : Mẹ L. ơi cứu P. Nhưng quả đúng 100% nó là con bà. Bà dược sĩ lại hỏi tôi, vừa cười vừa nói, trong người nó có vết tích gì đặc biệt không. Tôi đáp ngay : mông đít nó có một vết chàm. Thế là chúng hai chúng tôi lại ôm lấy nhau lần nữa. Và lần này thì bà dược sĩ dành dọt nói : Đúng thằng Mỹ đây, khi bé có tên là P. Nó đích thực là con bà. Tôi dàn dụa nước mắt xà lại ôm lấy P. Hai mẹ con chúng tôi ôm nhau thật chặt. Tôi bấu vào vai nó. Tôi nắm chặt cánh tay nó. Không rời ra được nữa đâu. Và trong lúc xúc động này, tôi lại hốt hoảng kêu lên : "Ối, con ơi, con ơi..." Tôi buông P. ra, buông con tôi ra, tôi chấp tay, đọc thầm một đoạn kinh tạ ơn Chúa, tạ ơn Trời, Phật. Nước mắt tôi tuôn như mưa.
Tôi quỳ xuống, tôi vái tứ phương. Tôi gọi tên nhà tôi. Ông ơi, tôi tìm thấy con rồi... Hai mẹ con tôi quay lại, thấy bà dược sĩ đứng nhìn chúng tôi, mếu máo với hai hàng lệ chảy. Chúng tôi, mẹ con tôi tiến tới, choàng tay ôm chặt bà vào lòng. Tôi nói : Bà ơi! Bà là ân nhân của chúng tôi, bà mới thật là mẹ nó. Trời, Phật đã dẫn dắt nó là con bà. Con tôi cũng nói : Con xin đa tạ mẹ...Thật, chưa bao giờ tôi vui sướng như thế mà cũng khóc nhiều như thế. Và cũng chưa bao giờ tôi tin tưởng mạnh mẽ như thế vào sự huyền diệu của các đấng thiêng liêng."

Cho đến khi chúng tôi viết những giòng này thì Bà L. đã hoàn tất mọi thủ tục để đưa người con trai tên P. sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Khi mọi việc đã xong, tên tuổi những người liên hệ sẽ được in đầy đủ trong bài viết.

Gần 30 năm đã qua. Một thời gian đủ dài để một thế hệ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Những con em chúng ta khi ra đi còn bé dại, nay đã không thiếu những người thành tài, có mặt trong hầu hết những sinh hoạt cao cấp nơi quê hương mới, là niềm vui sướng và hãnh diện cho cha mẹ, cho cộng đồng.

Nhân câu chuyện trên, người viết đang thu thập những gương thành công của con em những gia đình ra đi trên Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, để viết thêm vào phần cuối cuốn bút ký di tản này, như phần thưởng cho lòng can trường, liều chết ra đi vì Tự Do, vì tương lai của con cái. Rất mong được đón nhận những kết quả đẹp đẽ của những ai cùng đi trên chuyến tàu trên.

Mọi liên lạc xin gửi về cho người viết, PO Box 888, La Jolla, Ca 92088. Đt : (858)
484-9193.
E Mail
tphan2@san.rr. com
Bài viết có thể viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh. Nếu không có gì trở ngại, cuốn bút ký di tản của tác giả và những gương thành công của con cái chúng ta di tản trên Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502 sẽ được xuất bản để kỷ niệm 30 năm di tản.

Phan lạc Tiếp


Phản hồi của độc giả  


Xem 1 trong 1 phản hồi

1. 10-05-2010 07:34
Có Hậu
Cảm ơn tác giả đã nói lên tình trạng bi thảm của đồng bào trên những chuyến tàu ra khơi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Câu chuyện thật có hậu.


Hạm đội HQVN đã làm tròn nhiệm vụ khi đưa những lực lượng tổng trừ bị từ miền Trung về củng cố hàng rào phòng thủ Xuân Lộc Long Khánh; ngẫu nhiên di tản trên 30,000 đồng bào đến Phillipnes, và sau đó những đợt sóng vượt biên, các tài công hầu hết là anh em Hải Quân đã đưa hàng trăm ngàn thuyền nhân qua tạm dung tại các nước Đông Nam Á.

So sánh 3,000 đồng bào trên chiếc HKMH khổng lồ USS Midway trọng tải gần 100,000 tấn với 5,000 người trên chiếc HQ 502 vỏn vẹn khoảng trên 2,000 tấn, thiếu thốn đủ mọi phương tiện; quả tình thủy thủ đoàn DVH Thị Nại đã làm được một việc phi thường.

Tướng Nguyễn Khánh đã từng cảm ơn HQ Mỹ đưa 1 triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam và chiến dịch Frequent Wind cứu vớt người Việt trong ngày 30/4/1975. Tuy nhiên chưa thấy một vị nào cảm ơn HQVN trong việc đưa đồng bào lánh nạn Cộng Sản.
Nhái Trầm Ngâm

Sunday, May 9, 2010

MỘT NGÀY TRÊN ĐƯỜNG TỊ NẠN


Kính các bạn tôi,

Chỉ cón môt vài bài thơ 35 tuổi, vừa được moi ra từ đáy valise; tôi xin phép chép lại trên DĐ để kỷ niệm những ý tưởng thô thiển thời còn "sữa".

Ngày 8 tháng 5 năm 1975, tôi và mấy người bạn độc thân, "con bà phước" được gọi dọn qua ASAN ANNEX. Hành trang chả có gì ngoài cây bút còn giữ lại khi phải cởi bỏ áo bay bỏ lại Subic Bay, và mấy miếng giấy khăn bàn để dành ghi vội mấy câu tho con cóc giết thì giờ.  Thiên hạ có gia đình đông đủ rủ nhau đi dạo bãi biển Guam; tôi thì ở đó cả tuần lễ vẫn không biết có "thắng cảnh" nào trên hòn đảo đó, cả ngày nằm vùi không thiết tha gì đến các trò tiêu khiển...



Vẫn lời xin các bạn mình thứ lỗi
Không thích thì xin xóa bỏ dùm cho...
MỘT NGÀY TRÊN ĐƯỜNG TỊ NẠN
L V Chieu

Buổi sáng xứ người
Trông áng mây trôi
Thấy môi mặn đắng
Thấy mình mất vui

Một ngày xa xứ
Thấy như thật dài
Mấy đêm mất ngủ
Bây giờ mắt cay

Buổi trưa nắng đổ
Bóng ngã chân xiêu
Trông gương mắt đỏ
Dung nhan thay nhiều

Tóc râu biếng chải
Thần thái hư hao
Bơ phờ uể oải
Còn đâu thuở nào

Chiều trên đất lạ
Núi đá ngậm ngùi
Bước đi nhàn hạ
Nhưng lòng không vui

Ra ngồi trn bêến
Nghe tiếng sóng gào
Gió cao rung chuyển
Thấy lòng xuyến xao

Nhớ nước nhớ nhà
Hàng họ mẹ cha
Người tình bé nhỏ
Nghìn trùng cách xa

Em ơi, em ơi,
ĐI không một lời
Giờ em ở lạI
Tôi rời cuộc chơi

Đành ôm chuyện cũ
Hạnh phúc nửa vờI
Tấm thân lử thú
Làm sao định nơi?!

Chiều qua bước chậm
Săp hàng nhận cơm
Buồn ta gặm nhắm
Chiếc bánh tủi hờn

Nơi này xứ lạ
Cơm nuốt không trôi
Nói năng vất vả
Tay múa thay lời

Buổi tối lạc loài
Nghĩ chuyện tương lai
Trò vui tiêu khiển
Không làm nguôi ngoai

Đau lòng xót dạ
Dĩ vảng đêm đen
Hiện tại mệt lả
Tương lai không đèn

Đêm trôi buồn bã
Thân mềm buông xuôi
Quê hương xa quá
Sinh ly thật rồi!

Lê V Chiếu
Asan Annex, Guam 8 May 1975

Saturday, May 8, 2010

NGÀY ĐẦU Ở OROTE POINT

Đầu tháng Năm.
Cuộc hải hành bất đắc dĩ đã đưa bao ngàn người trong đó có tôi đến Subic Bay ở Phi Luật Tân.
Phi bào duy nhất trên người phải đành vứt bỏ để được phát cho một bộ đồng phục thủy thủ rộng thùng thình.  Không mặc được bộ đồ mới lãnh, đành cho đi; trên người chỉ có chiếc quần đùi và áo thun trắng, sẵn sàng lên đường sang đất Mỹ...

Trạm đến đầu tiên của tôi là
Orote Point trên đảo Guam, ngày 5 tháng 5 năm 1975.  Xin gửi các bạn tôi chút tâm sự ngày hôm đó, 35 năm trước đây:
NGÀY ĐẦU Ở OROTE POINT

Ba ngày dong biển cả
Sáu giờ liền không trung
Ta đến miền đất lạ
Đôi chân bước chập chùng

Một phần tư thế kỷ
Nửa kiếp đời mong manh
Như một thời mộng mị
Thôi, giã từ chiến tranh

Thôi một thời oanh liệt
Thôi một thuở tung hoành
Một lời làm tru diệt
Bao cơ đồ sụp nhanh

Khoanh tay buồn chiến sữ
Bất lực trước quân thù
Ta đành thân lữ thứ
Ôm hận chắc ngàn thu

Quốc kỳ thay màu trắng
Ủ rủ giữa kỳ đài
Phố xá buồn câm lặng
Mất nước rồi trách ai!

Tủi thân chiều tị nạn

Ngàn thông gió lao xao
Chu trình dài đứt đoạn
Rủ tay lìa binh đao

Lê Văn Chiếu
Orote Point, Guam 5-5-1975


--
Chieu V Le -- O Bien 227
Lancaster PA

www.chieule.com

Friday, May 7, 2010

CHIỀU LÊN OROTE POINT

Kính Các Diễn Đàn và các bạn tôi,
Đúng vào ngày này (7 tháng 5, 1975) tôi đang ở Orote Point (Guam), vừa được đưa đến từ Subic Bay hai ngày trước đó. Hôm qua lục chồng thơ ngày cũ, thấy mấy bài thơ mộc mạc ghi vài cảm nghĩ lúc còn đang trong tâm trạng hoang mang; tôi muốn chia sẻ tâm tình với các bạn tôi qua các Diễn Đàn quen thuộc vì không thể gửi riêng từng người.

Xin thứ lỗi nếu thư tôi làm phiền đến bạn, làm ơn xóa dùm tôi nhé. Rất cám ơn.
Ó Biên 227

CHIỀU LÊN OROTE POINT
Tên lính hèn mất nước
Chiều dõi bóng chim xa
Chợt dâng niềm ao ước
Về nhìn lại quê cha


Tên lính chiều mất nước
Chạnh lòng nhớ cố hương
Tủi thân đời xuôi ngược
Đi cầu thực tha phương


Như già đi trước tuổi
Não nề cuộc bể dâu
Chào quê hương lần cuối
Xa chân lòng quặn đau


Nhánh liểu buông mềm mại
Nhớ dáng người yêu xưa
Bước phiêu lưu tình ái
Mới hôm nào đón đưa


Thân cây già run rẩy
Gợi nổi nhớ mẹ hiền
Chắc giờ đang khấn lạy
Ngóng chờ con ngoài hiên


Mơ màng trông sương khói
Tưởng lại bóng chiều quê
Nhìn mây xa vời vợi
Lòng nguyện sẽ trở về


Cánh sao khuya mờ tỏ
Tên lính cúi gục đầu
Cùng một khung trời đó
Mà ngàn dặm xa nhau


Lê Văn Chiếu
Orote Point (Guam) 7 May 1975

Monday, May 3, 2010

Midway 2010

Ngày hạnh phúc đầu tiên trên USS Midway sau 35 năm
(05/01/2010)

SAN DIEGO, California (VH): “Cách đây 35 năm, hôm nay là một ngày buồn. Nhưng 35 năm sau, hôm nay là ngày hạnh phúc.” Ðó là lời của ông Vern Jumper nói với nhật báo Việt Herald trên hàng không mẫu hạm USS Midway hôm Thứ Sáu 30 tháng 4 vừa qua.

“Ðó là một ngày buồn vì chúng ta thua cuộc chiến, nhiều người mất nhà, thân nhân và bè bạn. Nhưng hôm nay là một ngày hạnh phúc vì cộng đồng Việt Nam đã mang đến Hoa Kỳ một nền văn hóa tuyệt vời,” ông Vern Jumper nói tiếp.

Cách đây 35 năm, ông Vern Jumper là chỉ huy đài không lưu trên USS Midway và chỉ huy cho các máy bay lên xuống trong chiến dịch “Operation Frequent Wind” cứu hơn 3,000 Việt Nam trong lúc cuộc chiến Ðông Dương chấm dứt.
Thứ Sáu vừa qua là buổi hội ngộ giữa USS Midway, các thủy thủ, các chỉ huy và những người được con tàu khổng lồ này cứu cách đây 35 năm trong chương trình có tên “Honoring Freedom in America,” tổ chức ngay trên phi đạo của tàu với hàng ngàn người tham dự.

Nhiều người được USS Midway cứu cách đây 35 năm cũng có mặt như XNV Hương Thơ của Little Saigon TV hoặc ông Hugh Nguyễn, hiện là ứng cử viên chức “Clerk-Recorder” của Orange County trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới đây.

Bác sĩ Lê Thế Dzũng, hiện là Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego và là giáo sư đại học UC San Diego, chia sẻ: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm với USS Midway. Tôi nhớ lúc đó một người em tôi bị ốm, nhưng các binh sĩ Mỹ vẫn tận tình chăm sóc và họ làm việc rất kỷ luật, nhẹ nhàng.”

Vợ của bác sĩ Dzũng cũng là người được USS Midway cứu hồi năm 1975.

Ông Richard Ðẹp Bùi, thiếu úy không quân VNCH và là ứng cử viên Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Việt Nam Nam California năm nay, chia sẻ: “Lúc đó, tôi lái trực thăng UH-1H đáp xuống tàu sau khi mở tần số ‘guard’ liên lạc với họ. Bây giờ nghĩ lại, tôi rất cảm động. Người Mỹ thật bao dung, tôi không thể diễn tả được sự biết ơn của mình.”

Anh Vinh Nguyễn, cư dân Sacramento, đến tham dự buổi lễ với anh trai Tuấn Nguyễn, chị gái Huệ Nguyễn và các cháu, kể: “Hôm 27 tháng 4, 1975, gia đình tôi đã vào phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng bị kẹt lại tại phi đạo vì Việt Cộng pháo kích vào phi trường. Hai ngày sau, gia đình tôi mới được một chiếc Chinook chở ra USS Midway. Mỗi chiếc như vậy nhét tới 60 người, nằm ngồi trên sàn như cá hộp.”

Thiếu tá Lý Bửng, người đã đáp chiếc máy bay Cessna “Bird Dog” chỉ có hai chỗ ngồi nhưng chở vợ và 5 con đáp xuống USS Midway ngày 30 tháng 4, 1975, chia sẻ: “Khi tôi bay từ Côn Ðảo ra, tôi thấy nhiều trực thăng trên trời, tôi biết ngay có điều gì tốt lành tại đó. Khi bay đến nơi, tôi thấy họ đáp xuống, tôi nghĩ ‘họ xuống được thì mình cũng xuống được chứ sao."

Những thủy thủ trên USS Midway hồi đó cũng có những kỷ niệm khó quên về chiến dịch “Operation Frequent Wind.”

Ông Todd Jensen, giờ cư ngụ tại Mira Loma, vừa đưa một huy hiệu không quân VNCH vừa kể với phóng viên nhật báo Việt Herald: “Hôm đó, loa phát thanh kêu gọi ra đẩy bớt trực thăng xuống biển. Tôi chạy xuống, bỗng thấy một áo lạnh của một phi công VNCH. Thế là tôi giữ lấy. Sau đó, tôi cắt miếng huy hiệu này và giữ làm vật kỷ niệm trong 35 năm qua.”

Ông Rafael Vila, đứng chung với hai cựu thủy thủ khác của USS Midway, ông George Perfetto và ông Chuck Oliver, kể: “Tôi nhớ lúc thiếu tá Lý Bửng bay vòng vòng trên USS Midway và ném một vật gì đó xuống, chúng tôi tưởng ông ném lựu đạn. Thế là mọi người chạy trốn. Rồi ông trở lại ném nữa, chúng tôi trốn nữa. Lúc đó, TQLC định bắn chiếc ‘Bird Dog’ của ông rồi. Sau này chúng tôi mới biết ông ném khẩu súng có cột lá thư xin đáp xuống USS Midway.”

Ngay từ sáng sớm, 14 xe bus tại công viên Garden Grove Park và 4 xe bus khác tại Rosemead đã chở gần 1,000 người trực chỉ xuống San Diego để tham dự buổi lễ.

Nhiều người không có vé vẫn đến và chờ nếu được chỗ trống thì lên xe bus, vì vé đã bán hết từ mấy hôm trước. Cuối cùng, mọi người đều được nhà báo Ngụy Vũ, một người ban tổ chức, sắp xếp cho lên xe vui vẻ.

Không khí tại hàng không mẫu hạm USS Midway không khác một ngày hội. Hàng ngàn người nối đuôi nhau bước vào con tàu phục vụ nước Mỹ lâu nhất trong thế kỷ 20. Từ trên cao xuống dưới, tại các cầu thang, tại hầu như khắp nơi, là những lá cờ Mỹ và VNCH được treo xen kẽ nhau và bay phất phới trong luồng gió biển của vịnh San Diego.

Ngay bên dưới cầu tàu, hai xe truyền hình của đài truyền hình Little Saigon TV với dây nhợ khắp nơi đang làm việc cật lực để truyền trực tiếp những hình ảnh của buổi lễ đến với khán giả.

Thực ra, Little Saigon TV, một trong những đơn vị bảo trợ chính và là người tổ chức chính sự kiện này, đã trực tiếp truyền hình “Honoring Freedom in America” ngay tại công viên Garden Grove Park, từ lúc những chiếc xe bus chưa lăn bánh.

Trên phi đạo, hàng ngàn người đã tề tựu đông đủ. Mỗi người được Hiệp Hội Người Việt San Diego tặng một tờ chương trình, một cờ Mỹ và một cờ VNCH.

Ðúng 12 giờ trưa, lần lượt các quan khách lên phát biểu, đặc biệt có đô đốc hồi hưu Larry Chambers (là hạm trưởng USS Midway năm 1975), ông Vern Jumper và thiếu tá không quân VNCH Lý Bửng.

Trong lúc quốc ca VNCH và Hoa Kỳ vang lên, hai lá cờ của hai cựu đồng minh được kéo lên cột cờ của USS Midway, mọi người đều ngước mắt nhìn lên một cách xúc động.

Trong phút mặc niệm, một binh sĩ hải quân Hoa Kỳ đứng từ trên cao nghiêm trang thổi một khúc nhạc bằng kèn trompet trong lúc ông Nguyễn Phúc Thiệu (trung úy không quân VNCH) và ông John Hedges (thủy thủ USS Midway năm 1975) quăng một vòng hoa tươi xuống biển để tưởng niệm các thủy thủ USS Midway và các binh sĩ VNCH đã qua đời.

Trên bầu trời, một chiếc máy bay kéo banner với dòng chữ “Honoring Freedom in America” bay qua trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Nhân dịp này, ông Scott McGaugh, giám đốc tiếp thị của viện bảo tàng USS Midway, đã yêu cầu các thủy thủ USS Midway hồi năm 1975 và những người Việt Nam được tàu này vớt đứng lên để mọi người vinh danh.

Kế đến là phần trình diễn của hai ban kèn đồng của hai trường trung học La Quinta và Bolsa Grande của Học Khu Garden Grove với bài “God Bless America.”

Cuối cùng là phần văn nghệ với ban hợp xướng Ngàn Khơi và nhóm The Friends trình bày.

Sau chương trình, nhiều người đi xuống tầng dưới để xem triển lãm các vật dụng do những người tị nạn Việt Nam gởi đến cho viện bảo tàng USS Midway và các loại máy bay. Trong số này, đặc biệt có mô hình chiếc “Bird Dog” mà thiếu tá Lý Bửng lái, được treo trên nóc tầng dưới của tàu.

Ðược biết, “Honoring Freedom in America” do viện bảo tàng USS Midway, hai đài truyền hình Little Saigon TV và Hồn Việt TV và Hiệp Hội Người Việt San Diego phối hợp tổ chức cùng với sự giúp đỡ của một số tổ chức, hội đoàn và cơ quan truyền thông Việt ngữ khác tại miền Nam California. (Ð.D.)


http://www.viethera ld.com/D_ 1-2_2-186_ 4-1884/Ngay- hanh-phuc- dau-tien- tren-USS- Midway-sau- 35-nam.html